Tài liệu học tập này được in lần thứ nhất do Ban Xuất Bản, Đại học Mở – Bán công TPHCM vào niên khóa 1994-1995. Và với lần in thứ tư này (2016), nhiều chương đã được cập nhật, bổ sung hoàn toàn mới, nhưng chúng tôi vẫn giữ lại một phần lời nói đầu của các lần in trước, để thấy được những biến đổi của môn học căn bản này. Từ thập niên 1990, chúng tôi đã nhận được những góp ý xây dựng của các đồng nghiệp và nhất là của các bạn sinh viên. Nói chung, các bạn sinh viên đánh giá cao sự đáp ứng cấp thời của tài liệu, vào thời điểm mà sách viết về phương pháp nghiên cứu xã hội học hầu như rất hiếm. Các bạn cũng hứng thú cho biết tài liệu đã giới thiệu bước
đầu về các bước đi khá chặt chẽ trong nghiên cứu và về phương pháp nghiên cứu định tính. Như chúng tôi đã từng viết trong lời nói đầu lần in đầu tiên, tài liệu này “chỉ có mục tiêu khiêm nhường nhằm giới thiệu với sinh viên một số vấn đề, phương pháp và kỹ thuật cơ bản trong việc thu thập và phân tích các dữ liệu xã hội.
Tuy nhiên nếu so sánh với các giáo trình đã xuất bản, các bạn sinh viên sẽ nhận thấy tài liệu này đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn các phương pháp và kỹ thuật trong nghiên cứu định tính (qualitative research) bên cạnh những phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu định lượng (quantitative research) vẫn thường được trình bày. Khác với những thập kỷ sáu mươi, bảy mươi trước đây - khi mà những nghiên cứu định lượng được xem là thời thượng - trong những thập kỷ gần đây, với sự thất bại của các
nghiên cứu thực chứng trong việc nghiên cứu những hiện tượng xã hội và nhân văn, các nhà nghiên cứu xã hội ngày càng thấy rõ yêu cầu bức bách phải phối hợp các phương pháp định lượng với các phương pháp định tính”.
Trong lần in thứ hai, chúng tôi bổ sung thêm một số phương pháp và kỹ thuật, như “Nghiên cứu hành động”, “Nghiên cứu lượng giá”, “Đánh giá nhanh có sự tham gia của đối tượng khảo sát” (PRA), “Các thang đo thái độ”, nhằm đáp ứng nhu cầu của những người vừa làm nghiên cứu vừa hoạt động thực tiễn, như các chuyên viên tư vấn, các
tác nhân phát triển cộng đồng và các chuyên viên công tác xã hội.
Trong chương một, chúng tôi cũng bước đầu giới thiệu với các bạn sinh viên một khuynh hướng nghiên cứu mới – nghiên cứu phê phán (critical research). Và trong chương cuối - xử lý các dữ liệu định lượng và định tính - cũng bổ sung một số điều mới, giúp sinh viên vượt qua những hạn chế thường gặp.
Đặc biệt trong lần xuất bản thứ ba, chúng tôi thêm vào chủ đề Internet và nghiên cứu điện tử (e-research, chương 11). Đây là một lãnh vực mới của nghiên cứu, mặc dù chưa được ứng dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu xã hội ở Việt Nam, nhưng nó sẽ là một trong những xu hướng của những năm sắp tới.
Trong lần in thứ tư này, ở chương một chúng tôi bổ sung phần giới thiệu ngắn gọn các khuynh hướng mới trong nghiên cứu xã hội, ví như, các nghiên cứu theo phương pháp hỗn hợp (mixed methods research), các nghiên cứu dựa trên các lý thuyết hậu thực chứng, hậu hiện đại, hậu cấu trúc và nghiên cứu dựa trên lý thuyết về tính phức
hợp (complexity theory). Ở chương hai, phần tổng quan tài liệu (literature review) và các mô hình thiết kế nghiên cứu (research design) được viết chi tiết hơn.
Cũng như lần trước, đây chỉ là tài liệu biên soạn, bởi lẽ chúng tôi đã kế thừa rất nhiều kiến thức từ những tác giả khác và sẽ cố gắng ghi chú nguồn gốc các tài liệu sử dụng kỹ hơn, nhưng đồng thời không làm cho việc trích dẫn trở nên nặng nề.
Mặc dù đã cập nhật, sửa chữa và bổ sung, chúng tôi biết rằng tài liệu biên soạn này còn nhiều thiếu sót và giới hạn, do đó chúng tôi luôn chờ đợi những trao đổi, đóng góp xây dựng của các đồng nghiệp và các bạn sinh viên để tài liệu này được hoàn chỉnh hơn.
Nguyễn Xuân Nghĩa (Thư điện tử: nguyenxnghia@gmail.com)